Chọn con tim hay nghe lý trí khi quyết định nghỉ việc?
Tất cả chúng ta đều sẽ gặp phải những ngày làm việc tồi tệ. Có vô vàn lý do, chẳng hạn như bị sếp mắng mỏ, đồng nghiệp quát vào mặt, đối thủ cướp mất khách hàng lớn, phải sa thải một nhân viên… Nhưng bạn có bao giờ tổng kết rằng mình đã có một năm đen đuổi trong công việc chưa?
Mặc dù xác suất để ai đó phải gặp vận hạn phủ kín cả năm là không cao, nhưng ý tưởng về 12 tháng tồi tệ chẳng dễ nuốt trôi, đặc biệt nếu bạn chính là nhân vật “đen đủi” đang được đề cập đến. Trong lúc gánh chịu những tác động nặng nề và hết sức rõ ràng từ tình trạng làm việc không như kỳ vọng, ý tưởng “giải cứu bản thân” hẳn sẽ xuất hiện trong đầu bạn.
1. Tình huống xấu này là vấn đề tạm thời hay dài hạn?
Đôi khi chúng ta rơi vào hoàn cảnh biến động, nó không phải ngoại lệ với các công ty hoặc công việc của bạn. Đây chính là giai đoạn khó khăn mà bạn hoặc doanh nghiệp của bạn phải trải qua. Bạn phải hiểu bằng được ý nghĩa thật sự của từ “tình huống xấu” đang xảy ra với mình rồi hãy cân nhắc phương án tiếp theo.
Ví dụ: Khi đến mùa kiểm toán, nhân viên thuộc bộ phận Kế toán luôn cảm thấy như họ đã sa vào địa ngục, hàng tuần liền ngập chìm trong biển sổ sách, số liệu, hoá đơn, báo cáo… Chán nản và mệt mỏi dường như không hồi kết. Chưa dừng ở đó, họ phải liên tục trả lời những câu hỏi hạch sách, làm rõ những lỗ hổng, bổ sung các tài liệu thiếu sót cho chuyên viên kiểm toán, nếu không muốn công ty có sai sót, bị nộp phạt hay cảnh cáo. Rất may là giai đoạn đó rồi cũng sẽ kết thúc và cuộc sống tươi đẹp quay trở lại.
Tuy nhiên, đôi khi bạn cũng thấy mình bị lạc trong tình cảnh doanh nghiệp đã hoàn toàn thay đổi, không duy trì được sự bền vững nữa. Đơn cử như trường hợp của nhà sản xuất chip đồ hoạ có tiếng Imagination Tech đã suy sụp trong thời gian ngắn ngủi ngay sau khi Apple – đối tác chiếm phần lớn doanh số của họ – chuyển sang giải pháp sử dụng chip đồ hoạ tự sản xuất. Lúc này bạn nên lập tức lên kế hoạch tìm việc.
2. Tình trạng tồi tệ này có điểm dừng cụ thể không?
Nếu đã khám phá ra rằng tác nhân của giai đoạn tồi tệ này không kéo dài mãi mãi, bạn có thể xác định được thời điểm kết thúc hay không? Một đồng nghiệp hoặc vị sếp hay gây phiền não của bạn 6 tháng nữa sẽ nghỉ hưu? Hệ thống máy móc của công ty không đáp ứng nổi yêu cầu công việc hoặc nguồn tài nguyên của công ty hoàn toàn bị thiếu hụt, nhưng sắp được cải tiến hoặc bổ sung trong năm tới? Bạn đang gặp khó khăn tài chính nhưng chỉ cần được tăng lương hoặc nhận thưởng thì sẽ sớm ổn định lại thôi? Bạn đang nắm giữ một vị trí quyền lực, có đủ khả năng thay đổi mọi thứ không?
Mặc dù mọi chuyện vẫn sẽ rất khó khăn trong giai đoạn tạm thời, nhưng dự đoán được một kết thúc có thể xảy ra sẽ khiến tình huống dễ chịu hơn nhiều. Bạn sẽ đi từ tâm trạng đối phó với vấn đề “nghiêm trọng” sang trạng thái xử lý vấn đề “chuyển tiếp nhanh”. Nghĩa là bạn chỉ cần nhấn nút tua nhanh (Fast-Forward) để vượt qua nó, nhưng bạn sẽ tự mình vượt qua nó.
3. Thước đo của bạn có bị điều chỉnh đến mức độ phi thực tế?
Đôi khi, sau một thời gian quá lâu được sống trong môi trường làm việc thuận lợi, cảm giác về thực tại của bạn bị khởi động lại, bạn mong đợi quá mức về những điều tốt đẹp thay vì ghi nhận nó.
Nhiều người trong chúng ta sẽ may mắn được làm việc trong các công ty vô cùng tuyệt vời, xuất sắc hơn hẳn những bạn bè làm cùng ngành với họ. Khi là người mới, chúng ta thường dành vài năm đầu để thường xuyên mỉm cười và ngạc nhiên về sự tốt đẹp mình nhận được. Nhưng rồi sau đó, chúng ta xem nó như điều hiển nhiên, và bắt đầu tỉnh mộng hoặc có cảm giác không hài lòng nữa. Đặc biệt điều này thường xảy ra với sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, người chưa từng làm việc ở nhiều công ty khác nhau nên thiếu căn cứ để so sánh.
Một số người sẽ rời đi để tìm kiếm đồng cỏ họ tin là xanh hơn. Nhưng kết quả cuối cùng là họ đã phải từ bỏ công việc mới đó trong vòng chưa đầy một năm. Vì vậy, có lẽ điều quan trọng lúc này là bạn cần nhìn nhận lại sự nghiệp của mình một cách thận trọng để có được một năm mới tích cực hơn chứ không phải vội vàng rời bỏ những điều quen thuộc chỉ bởi vì cảm giác nó “hơi chán chán”.
4. Giá trị cốt lõi của bạn đã thay đổi, không còn phù hợp với công việc hiện tại nữa?
Khi công việc của bạn không còn nhất quán với hệ giá trị bạn theo đuổi nữa thì chúng sẽ nhanh chóng trở nên khó chịu đựng.
Có một ví dụ điển hình cho kết luận này đến từ diễn giả TED Talk nổi tiếng Robyn O'Brien – người đã từng rất thành công trong việc vận động hành lang cho ngành công nghiệp thực phẩm. Khi đang là người tham gia vận động cho chiến dịch cải thiện thói quen ăn kiêng ở Mỹ – một điều khác biệt so với công việc của Robyn, đã có một khoảnh khắc cô giật mình chợt tỉnh khi nhìn vào các dữ liệu sức khoẻ, chúng đã thay đổi suy nghĩ của cô về cách người dân Mỹ ăn uống và các tác động họ nhận lại. Từ sau thời điểm đó, cô không thể tiếp tục công việc được nữa bởi vì nó đã quá mâu thuẫn với những điều mà bản thân cô tin tưởng. Câu hỏi này thực sự cần thiết để bổ sung thêm một khía cạnh khác trong vấn đề bạn đang cân nhắc đối với một công việc bản thân không thích nhưng lại phù hợp.
5. Có lựa chọn thay thế nào không?
Câu quan trọng cuối cùng bạn nên hỏi mình là “Tôi còn có các lựa chọn khác không”. Có thể sẽ còn khá nhiều vị trí khác ngay trong công ty hiện tại để bạn tự ứng cử mình phụ trách. Để tăng cơ hội, hãy tiếp cận với những người đang làm việc trong bộ phận đó hoặc phụ trách vai trò liên quan để theo sát, tìm hiểu và học hỏi nhiều hơn. Xây dựng mối quan hệ tốt với đối tượng phù hợp để họ có thể nhớ đến bạn ngay khi cơ hội mở ra.
Những lựa chọn nghề nghiệp thay thế ngay trong cùng một công ty rất đáng để chúng ta theo đuổi. Sự tự tin bước ra khỏi công việc quen thuộc đã làm rất nhiều năm, mạnh dạn thay đổi sang một vai trò mới sẽ giúp bạn vui vẻ và tiến bộ hơn. Bạn có muốn thử một lần nhìn ngắm con người mới mẻ và tràn đầy sinh lực của mình không?
Nếu bạn không có lựa chọn nào khác nữa, hãy khởi động tìm kiếm trong khi duy trì công việc hiện tại. Dù có muốn rời đi ngay lập tức cũng đừng làm thế, bởi vì ngoài lợi ích về tài chính, bạn sẽ là ứng viên “có giá” hơn trong mắt nhà tuyển dụng khi vẫn đang sở hữu trong tay một công việc. Đôi khi bạn không kiểm soát được hết tình huống, nhưng nếu có thể, hãy gắn bó với công việc hiện tại cho đến khi thực sự có bến đỗ tiếp theo. Bạn bảo vệ được sức hút cho CV của mình, và tất nhiên, bạn sẽ không phải giải thích bất cứ điều gì về “cú gãy” trong lộ trình sự nghiệp cá nhân với phỏng vấn viên.
Nếu có một lựa chọn, bạn có thể cân nhắc nó như một nghề tay trái bổ sung thêm nguồn thu nhập thứ hai mà vẫn không làm sứt mẻ sự liền mạch của CV. Trong vài trường hợp, công việc thời vụ này có thể sẽ biến thành công việc chính thức, hoặc chí ít cũng sẽ là chất xúc tác thúc đẩy bạn đưa ra quyết định cho con đường sự nghiệp tương lai.
Cuối cùng, thông điệp quan trọng đáng được nhắc lại chính là bạn có sức mạnh để thay đổi mọi thứ. Cho dù bạn đang giữ vai trò lãnh đạo hay không, có thể bạn không phải là nguồn gốc của vấn đề, nhưng điều này không có nghĩa rằng bạn không thể là nguồn gốc của giải pháp.
“Khi tôi rời đi, rắc rối sẽ xảy ra. Nếu tôi ở lại, mọi chuyện phiền phức gấp đôi”, câu hát trích trong bài “Should I stay or should I go” nổi tiếng của The Clash – nhóm nhạc Punk Rock tiên phong tại nước Anh thập niên 80 – có thể đúng cũng có thể sai, nhưng nó đáng để bạn suy ngẫm